[Kiến thức] Nên tiếp đất bằng gót hay cả bàn chân trong khi chạy bộ?

Sang Nguyen
Đăng ngày 22/02/2020
3,450 Lượt xem
Người yêu thích
Thêm vào yêu thích


(Nguồn ảnh: 123RF)


Chạy bộ thực ra nên tiếp đất bằng gót chân hay bàn chân? 

Đây là một trong những chủ đề nóng nhất liên quan đến kĩ thuật chạy bộ trong những năm gần đây. Thông thường mọi người thường hay cho rằng không nên tiếp đất bằng gót chân trong khi chạy bộ, nguyên nhân chính là vì khi điểm tiếp đất càng gần với gót chân, trọng tâm của cơ thể càng lệch về phía sau của bàn chân, điều đó khiến đầu gối phải liên tục hấp thụ lực tác động của mỗi bước chạy về trước, kéo theo phải gánh cả trọng lượng cơ thể của gót chân. Hai lực chèn ép qua lại dẫn đến gánh nặng lớn cho đôi chân, lâu dần rất dễ dẫn đến hiện tượng khó chịu ở đầu gối của các runner.

Nếu bạn tiếp đất bằng phần trước (mũi chân) hoặc phần giữa của bàn chân, trọng tâm của cơ thể sẽ nằm ngay trên vị trí tiếp đất của bàn chân. Lực tác động từ mặt đất có thể được hấp thụ và chuyển đổi bởi động tác đánh về sau của đùi và bắp chân, như vậy gánh nặng lên đầu gối và phần hông cũng sẽ ít đi. Thế nhưng việc này cũng đồng nghĩa khi chạy chúng ta sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào sự chuyển động mượt mà của mũi chân, lực và độ dẻo dai của bắp chân. Do đó, những bạn lần đầu tiên thử chạy tiếp đất bằng phần giữa hoặc phần trước của bàn chân trước thường bị đau mỏi bắp chân và sẽ cảm thấy bàn chân không được thoải mái cho lắm, nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này chính là do chân chuyển động không đủ mượt mà, bắp chân không đủ lực và không đủ dẻo dai.

Thế nhưng, để xác định nên tiếp đất bằng bàn chân hay gót chân không phải chỉ đơn giản nhìn vào vị trí tiếp đất của bàn chân. Bạn còn cần phải xem xét đến mối quan hệ tương thích giữa sự vận động của phần chân và trọng tâm cơ thể chuyển động theo mỗi bước chân. Có rất nhiều người ban đầu khi chạy áp dụng phương pháp tiếp đất bằng gót chân và đau gối, chuyển sang phương pháp tiếp đất bằng bàn chân thì lại phát sinh những vấn đề liên quan đến phần bắp chân, chẳng hạn như ở cân gan bàn chân và ở gân Asin (Achilles Tendon) v.v...Có vẻ như việc tiếp đất bằng gót chân khi chạy là không được tốt lắm, nhưng thực chất bắp chân và bàn chân sẽ chịu ít áp lực hơn khi sử dụng phương pháp này, các nhóm cơ phía dưới đầu gối cũng không cần dùng quá nhiều sức (vì áp lực từ trọng lượng cơ thể và lực tác động được xương chày và đầu gối hấp thụ). Việc tiếp đất bằng gót chân hay tiếp đất bằng bàn chân khi chạy đều có những ưu điểm và nhược điểm riêng. Đó là lý do tại sao việc tiếp đất bằng gót chân hay bàn chân luôn gây tranh cãi và khó có thể đưa ra kết luận chính xác.

Trên thực tế, lý do chính ảnh hưởng đến cách tiếp đất bằng bàn chân của người chạy bộ chính là tư thế và kỹ thuật chạy. Thay vì tập trung vào việc thay đổi vị trí tiếp đất của bàn chân, chúng ta nên điều chỉnh lại tư thế chạy và thực hiện các bài tập rèn luyện kỹ thuật một cách có quy luật để việc chạy bộ có hiệu quả và có phối hợp nhịp nhàng hơn. Khi bạn đã có tư thế chạy và kỹ thuật chạy tốt hơn, bàn chân sẽ tự động điều chỉnh vị trí tiếp đất phù hợp với động tác và tư thế chạy của bạn. Đối với hầu hết các runner đã qua đào tạo, nhờ cơ bắp đủ lực và sự linh hoạt trong động tác, chắc chắn họ sẽ tiếp đất ở vị trí phần giữa và mũi chân. Việc này là tùy vào điều kiện cơ thể và kỹ thuật quyết định, chứ không phải kết quả của sự cố ý điều chỉnh điểm tiếp đất của bàn chân.

Nếu bạn là người mới bắt đầu chạy bộ hoặc muốn điều chỉnh tư thế chạy của bản thân, ngoài việc nhờ huấn luyện viên hoặc runner có kinh nghiệm hướng dẫn, bạn còn có thể sử dụng các bài tập rèn luyện cơ bắp thích hợp để làm cho chuyển động cơ thể ổn định hơn và đồng thời làm giảm áp lực cho đôi chân. Vào những ngày nghỉ ngơi hoặc những khi chạy bộ thả lỏng, hãy kết hợp luyện tập các kỹ năng liên quan đến việc chạy bộ để trau dồi các kiểu động tác linh hoạt và tự nhiên hơn. Từng bước điều chỉnh  cùng với những kỹ năng chạy thành thạo và sự phát triển sức mạnh cơ bắp, bạn sẽ cảm nhận được rằng tư thế chạy của bạn ngày càng tốt hơn, các động tác của bạn cũng ngày càng thoải mái hơn. Đến lúc này, thật ra bạn cũng không còn cần phải do dự suy nghĩ nên tiếp đất ở vị trí nào trên bàn chân là tốt nhất nữa.


Nguồn bài viết: Running Biji